Trường phái Áo Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế

Carl Menger, người sáng lập trường phái Áo trong kinh tế học.

Thời kỳ đầu

Trong khi giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là thời kỳ các kinh tế gia sử dụng toán học chiếm ưu thế, những người thừa kế tư tưởng của Carl Menger, với truyền thống từ Eugen von Böhm-Bawerk, đi theo con đường khác, cổ súy việc sử dụng suy diễn logic. Nhóm này chính là trường phái Áo, phản ánh việc nhiều người sáng lập là các nhà kinh tế người Áo.

Thorstein Veblen vào năm 1900, trong tác phẩm Những khái niệm cơ bản của khoa học kinh tế, đối lập những người theo chủ nghĩa cận biên tân cổ điển, tức theo bước Alfred Marshall, với những triết thuyết của trường phái Áo.[54][55]

Joseph Alois Schumpeter (1883–1950) là một kinh tế gia và khoa học gia người Áo nổi tiếng bởi các tác phẩm của ông về chu kỳ kinh doanh và sáng tạo công nghệ. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nhân trong một nền kinh tế. Trong tác phẩm Các chu kỳ kinh doanh: Một phân tích lý thuyết, lịch sử và thống kê về tiến trình của chủ nghĩa tư bản (1939), Schumpeter đưa ra một tổng hợp các lý thuyết về các chu kỳ kinh doanh. Ông cho rằng những chu kỳ này có thể giải thích tình trạng của nền kinh tế. Theo Schumpeter, chủ nghĩa tư bản nhất thiết trải qua các chu kỳ dài hạn, vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào các phát minh và sáng tạo khoa học. Kinh tế có thể tăng trưởng là nhờ vào các phát minh và sáng tạo cộng nghệ, bởi các phát minh làm tăng sản lượng và khuyến khích các doanh nhân đầu tư. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư không còn có hội đầu tư nữa, nền kinh tế lâm vào suy thoái, một số công ty đổ vỡ, đóng cửa và phá sản. Giai đoạn này kéo dài cho tới khi những sáng tạo công nghệ mới tạo ra quá trình phá hủy sáng tạo, phá hủy những sản phẩm cũ, giảm việc làm, nhưng cho phép nền kinh tế bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng mới, dựa trên các sản phẩm mới và những yếu tố sản xuất mới.[56]

Ludwig von Mises

Ludwig von Mises (trái) và Friedrich von Hayek

Ludwig von Mises (1881–1973) là nhân vật trung tâm của trường phái Áo. Trong tiểu luận của ông về kinh tế học, Hành vi con người, Mises giới thiệu môn hành vi học, "khoa học về hành vi con người", như một nền tảng mang tính khái niệm chung với các khoa học xã hội. Hành vi học coi kinh tế học là hàng loạt các trao đổi tự nguyện làm tăng sự hài lòng của các bên liên quan. Mises cũng tranh luận rằng chủ nghĩa xã hội gặp phải vấn đề không thể giải quyết được về tính toán kinh tế, mà theo ông, chỉ có thể giải quyết thông qua các cơ chế giá cả của thị trường tự do.

Friedrich von Hayek

Những chỉ trích lớn tiếng của Mises với chủ nghĩa xã hội có ảnh hưởng lớn tới tư duy kinh tế học của Friedrich von Hayek (1899–1992), người ban đầu cũng có cảm tình với chủ nghĩa xã hội, nhưng sau đó trở thành một trong những nhà phê bình gay gắt nhất với chủ nghĩa tập thể trong thế kỷ 20.[57] Phản ánh lại quan điểm của Adam Smith về "hệ thống tự do tự nhiên", Hayek lập luận rằng thị trường là một "trật tự ngẫu nhiên" và tích cực phản đối quan điểm về "công bằng xã hội".[58] Hayek tin rằng mọi hình thức của chủ nghĩa tập thể (thậm chí cả những hình thức trên lý thuyết là dựa vào sự hợp tác tự nguyện) chỉ có thể duy trì bằng tình trạng tập quyền cao độ. Trong cuốn sách của ông, Đường tới nô dịch (1944) và các tác phẩm sau đó, Hayek tuyên bố chủ nghĩa xã hội đòi hỏi một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và sự kế hoạch hóa đó có thể trở thành chủ nghĩa toàn trị. Hayek tin rằng nền văn minh ra đời chính là nhờ tư hữu về tài sản. Ông trình bày điều này trong cuốn sách của ông Thói tự phụ chết người (1988). Theo ông, các tín hiệu giá cả là phương tiện duy nhất cho phép mỗi bên ra quyết định trong nền kinh tế trao đổi với nhau các thông tin hiểu ngầm và thông tin phân tán, để giải quyết vấn đề về tính toán kinh tế. Cùng với người đồng thời Gunnar Myrdal, Hayek được trao giải Nobel năm 1974.

Murray Rothbard

Xây dựng khái niệm trật tự ngẫu nhiên cho trường phái Áo, ủng hộ thị trường tự do trên cơ sở số nhân tiền tệ và lên án kế hoạch hóa tập trung, Murray Rothbard (1926–1995) thúc đẩy việc hủy bỏ kiểm soát cưỡng ép của chính quyền với xã hội và nền kinh tế.[59] Ông coi quyền lực độc quyền của nhà nước là đe dọa lớn nhất với tự do và sự thịnh vượng trong dài hạn của xã hội loài người, ông gọi nhà nước là "tổ chức của những kẻ ăn cướp trắng trợn có hệ thống" và là nơi hội tụ của những cá nhân vô đạo đức nhất, tham lam nhất và vô liêm sỉ nhất trong bất cứ xã hội nào.[60][61][62][63]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế http://socserv2.mcmaster.ca/~econ/ugcm/3ll3/veblen... http://www.dictionaryofeconomics.com/article?id=pd... http://www.lewrockwell.com/rothbard/rothbard200.ht... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.youtube.com/watch?v=UzhD7KVs-R4 http://www.youtube.com/watch?v=jNgfIH5pyxg http://www.youtube.com/watch?v=muUjNWIeDZg http://homepage.newschool.edu/het//profiles/malthu...